Ứng dụng công nghệ vào canh tác giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm so với phương thức sản xuất truyền thống
Khởi đầu từ mô hình Canh tác lúa lý tưởng của nông dân, được sự hỗ trợ thực hiện bởi Công ty Rynan Smart Fertilizers trong việc đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất lúa. Đến nay hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Ðông 2, xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp do ông Ngô Phước Dũng làm Giám đốc đã trở thành một trong những HTX tiêu biểu toàn quốc trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ”. Từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, mang lại lợi ích bền vững cho thành viên và người tiêu dùng.
Với việc đưa công nghệ vào sản xuất, trên khắp cánh đồng thông minh rộng 170 héc-ta (ha) của HTX và trên một số tuyến kênh, trạm bơm, hệ thống máng nước bê tông được lắp đặt rất nhiều cảm biến, các cảm biến này đóng vai trò như “người dự báo”. Khi mực nước trong ruộng quá đầy hoặc quá khô thì cảm biến trên ruộng sẽ gửi thông tin đến người nông dân và thông qua thông tin dữ liệu đó, người nông dân sẽ biết được ruộng lúa cần tưới hay tháo nước. Các thao tác này đều được thực hiện trên điện thoại thông minh một cách nhanh gọn và chính xác.
Nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, nên mọi thông tin về đồng ruộng hầu như được cập nhật liên tục trên điện thoại thông minh. Chỉ cần có Internet, dù đi đâu, người dân vẫn có thể nắm được tình hình trên đồng ruộng. Chỉ cần một cú “vuốt nhẹ” trên màn hình điện thoại, nông dân có thể xử lý được rất nhiều công việc trên đồng áng mà trước đây các công đoạn này phải mất rất nhiều thời gian và công lao động mới có thể giải quyết được.
Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ bơm tưới tự động, hiện HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2 còn áp dụng thử nghiệm mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh của Công ty Công nghệ Rynan. Với việc được lắp đặt một số thiết bị thông minh như cảm biến và hệ thống quan sát thông minh, trạm giám sát sâu rầy sẽ giúp người nông dân có thể biết được mật độ sâu rầy trên đồng ruộng nhiều hay ít để có những giải pháp xử lý phù hợp. Hệ thống này có thể dự báo tương đối chính xác khoảng cách trong vòng 5 km2. Trạm giám sát sâu rầy thông minh sẽ làm thay công việc thăm đồng thủ công của nông dân. Nguồn dữ liệu mà trạm giám sát sâu rầy thu thập được hằng ngày sẽ được gửi về điện thoại thông minh của HTX.
Hay trong vụ lúa thu đông năm 2022 vừa qua, người dân đã thuê máy bay không người lái (drone) phục vụ cho ruộng đồng ở 3 khâu: phun giống gieo sạ, phun phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Cuối vụ, sau khi trừ hết các chi phí, gia đình lãi từ 1,2 - 1,5 triệu tiền công (trên 1.000 m2). Đối với phun thuốc bảo vệ thực vật, mỗi lần máy bay có thể mang 40 lít dung dịch. Đối với bón phân và gieo sạ, mỗi lần máy bay có thể mang một lượng phân bón và giống lúa từ 40 ki-lô-gam - 45 ki-lô-gam. Với lượng phân bón sử dụng khoảng 150 kg/ha/đợt cho lúa, máy bay chỉ mất khoảng thời gian 15 phút, giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều so với bón phân thủ công.
Các giải pháp tiên tiến không những giúp nông dân, HTX tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất so với phương thức sản xuất truyền thống mà còn giúp chất lượng lúa của HTX ngày một được nâng lên. Minh chứng là từ những ngày đầu thành lập HTX chỉ có vài ha lúa được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đến vụ đông xuân 2020 – 2021 toàn HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2 có trên 2/3 diện tích sản xuất lúa đều được doanh nghiệp đến bao tiêu.
Từ sự thành công của Mỹ Đông 2, hiện nay mô hình cánh đồng lúa thông minh đã được nhân rộng ra nhiều hợp tác xã tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Nguồn: langso.dx.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn